Ba ơi, mình đi đâu?, trái tim run rẩy, cười rồi khóc

Rất lâu sau khi chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế của Hàn Quốc và Trung Quốc phát sóng, rồi tới chương trình của Việt Nam mua lại bản quyền, tôi cứ thấy câu nói nghe chừng quen quá. Khi xem lại giá sách, tôi vô tình thấy lại cuốn sách này. Trong cuốn Phía đông vườn địa đàng, John Steinback đã viết như thế này: "mỗi đứa trẻ đều chịu sự giáo dục rất lớn từ người cha của chúng". Với cuốn này của Jean-Louis Fournier lại càng đúng hơn nữa.

THÔNG TIN VỀ SÁCH
Ba ơi, mình đi đâu?
Tác giả: Jean-Louis Fournier
Giải thưởng: Giải Fémina 2008
Le prix des Lecteurs sélection 2010


Quyển sách khá nhỏ và mỏng, không có gì là khó đọc cả, nhưng quả thực tác giả đã gói ghém vào đó không ít tâm tư. Ở tuổi 70, lần đầu tiên tác giả mới viết về hai cậu con trai tật nguyền của mình, hẳn là ông có rất nhiều điều muốn nói. Đau lòng thay, ông viết sách dành tặng chúng, nhưng chúng sẽ chẳng bao giờ đọc được...
Cuốn sách viết về Mathieu và Thomas dưới lời kể của cha chúng. Chúng vốn laf hai đứa trẻ tất nguyền, mãi mãi không bao giờ lớn. Cuộc đời của chúng đã dừng lại ở tuổi lên 8 với suy nghĩ cực kì non nớt, ngô nghê. Chúng không thể ghi nhớ quá nhiều và luôn tỏ ra mình là một đứa trẻ vô tội. Còn ông bố thì dở khóc dở cười, nuốt đắng nuốt cay vừa lo toan cho chúng ăn uống, vừa để mắt cho chúng tránh khỏi những trò nghịch dại


Có quyển sách nào khiến bạn vừa buồn vừa vui chưa? Có bao giờ đọc câu văn nào đó bạn thấy buồn cười, thậm chí bật cười nhưng khóe mắt lại cay cay chưa? Với tôi, “Ba ơi, mình đi đâu?” là một quyển sách như vậy đấy. Cái hài cứ xen lẫn với cái bi, làm tôi cười mà cũng thấy xót lắm. Mỗi lần lật thêm một trang, tôi lại thấy khó khăn khi lại phải thấy thêm một khuyết tật của Mathieu hay Thomas. Người cha viết về những khuyết tật đó với giọng điệu mới trào phúng làm sao. Có lẽ vì ông đã lớn tuổi, đã trải qua hơn nửa đời người. Và lúc này đây ông mới có được sự bình tĩnh và dũng cảm viết ra những cảm xúc thật sự, những điều thầm kín tự đáy lòng mình.


Quyển sách không phải là một câu chuyện liền mạch, có đầu đuôi hẳn hoi, đó là những mẩu chuyện nhỏ xảy ra từ lúc Mathieu và Thomas chào đời rồi lớn lên. Mỗi ngày trôi qua, ông làm thế nào để giữ mình nuôi nấng chúng suốt ngần ấy năm? Mặc dù ông tự nhạo báng mình không ít lần, nhưng tôi vẫn thấy rõ ông thương chúng thế nào. Chắc chắn rằng ông thương chúng nhiều hơn những gì ông thể hiện ra bên ngoài. Đó là vì ông đã đặt mình vào vị thế của bọn trẻ, để thấu hiểu chúng, để trò chuyện cùng chúng trong tâm tưởng, để mơ thay cho chúng những giấc mơ mà chúng không bao giờ thực hiện được.
“Có lẽ về đêm,chúng bắt đầu phục thù, chúng mơ giấc mơ của những thiên tài.
Có lẽ về đêm, chúng trở thành sinh viên đại học Bách khoa, nhà bác học, nhà nghiên cứu, và chúng phát minh.
Có lẽ về đêm, chúng khám phá ra các định luật, các nguyên tắc, các định đề, các định lý.
Có lẽ về đêm, chúng tiến hành những phép tính uyên bác bất tận.
...”



Tôi cho rằng ông đúng khi tự cho mình quyền được nói đùa, được tưởng tượng trước những hành vi của các con mình. Nếu không như thế, thì ông làm sao mà sống? Tôi thấy mừng vì ông đã không ôm chúng vào lòng mà khóc lóc ủy mị. Đôi khi tôi nghĩ rằng, có phải do sự giao tiếp giữa hai bên quá khó khăn, nên ông đã lựa chọn việc nói chuyện với chúng trong đầu mình, ông thay chúng trò chuyện với cuộc sống ở ngoài kia, cho phép mình nghĩ đến những ý tưởng lạ lùng điên khùng chẳng giống ai. Ông không vùi dập cuộc đời mình và các con trong nước mắt. Ông đang cố mỉm cười.

Giờ thì tôi đã hiểu, Mathieu và Thomas chính là hai chú chim nhỏ kia. Mathieu mất đi, Thomas thì càng ngày càng trở thành một đứa trẻ già cỗi, tiến tới mục tiêu gặt hái những “tiến bộ giật lùi”. Còn người cha, tôi cảm giác ông đang dần rơi vào bế tắc. Vẫn cái kiểu trào phúng ấy, vẫn cái lối tự giễu cợt chính mình, nhưng những câu chữ của ông dường như ngày càng u tối hơn.
“Có lẽ….
Đáng lẽ…
Nếu các con như những người khác…
Nếu…
Nếu…
Nếu…
Những đứa trẻ sẽ...
…”


Những mệnh đề giả định xuất hiện ngày càng nhiều, những lá thư tưởng tượng giúp ông lẩn tránh phần nào hiện thực tàn nhẫn. Tôi rất ám ảnh với đoạn kết, khi ông viết rằng “Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc đời tôi là bế tắc” Tôi lại cho rằng chính ông, Mathieu và cả Thomas đã mang đến cho người đọc những nghị lực phi thường, dạy cho chúng ta cách nhìn nhận những điều không may dưới một góc độ khác. Dù ít dù nhiều, nó cũng sẽ làm thay đổi cách suy nghĩ của nhiều người về cuộc sống.

Gấp lại quyển sách, tưởng như còn nghe câu nói “Ba ơi, mình đi đâu?” của Thomas văng vẳng bên tai. Tôi tự hỏi ông có nghĩ về câu hỏi đó trong suốt quãng thời gian còn lại của cuộc đời mình hay không? Liệu giờ đây ông có tìm được câu trả lời chưa?


Nhắm mắt lại, tôi tưởng tượng ra cảnh ông đang bế chúng trên tay, và tôi mong có một lúc nào đó, ông có thể tưởng tượng ra cảm giác ấy...
Không phải là cảm giác đang ôm những con robot, những con búp bê bằng sắt.
Không phải là cảm giác đang ôm những con rối hay búp bê bằng vải.
Mà là cảm giác của một người cha đang ôm những đứa con khỏe mạnh bình thường của mình.

su le||lovebooks

No comments

Post a Comment

legiangcafe. Powered by Blogger.