The Great Gatsby, Gatsby chỉ là đại gia


Tên sách: The Great Gatsby - Đại gia Gatsby Dịch giả: Trịnh Lữ NXB: Nhà xuất bản Văn học Công ty phát hành sách Nhã Nam
The Great Gatsby là cuốn sách hiếm hoi trong thời buổi cơm cháo thị trường, được rơi vào tay một dịch giả có tâm, Trịnh Lữ. Tôi vẫn nhớ những cuộc trò chuyện của Trịnh Lữ trên một số trang viết về mỹ thuật, sách, nghệ thuật không chính thống, nếu may mắn được anh nói về The Great Gatsby, chúng ta sẽ nghe một nhận định: The Great Gatsby, chỉ là Đại gia Gatsby, Gatsby không vĩ đại, chỉ có người viết Gatsby vĩ đại.
Tôi đọc The Great Gatsby một lần, xem phim một lần, và đọc lại một lần nữa khi gấp lại cuốn hồi kí Hội hè miên man của Hemingway. Có một nỗi buồn mênh mang khi nói về Gatsby, về tác giả F. Scott Fitzgerald. Một gã trai si tình, yêu Daisy đến miệt mài, làm giàu bằng mọi cách, để rồi khi chết, lại chẳng có ai nhớ đến. Đại gia Gatsby, dưới lời kể chuyện của nhân vật đứng ngoài lề các tuyến nhân vật chính, nói về Gatsby, kẻ sống và làm giàu sau Thế chiến I bằng cách buôn lậu rượu (lúc đó rượu là thứ bị cấm trong luật pháp của Hoa Kì). Gatsby giàu lên thật nhanh, anh tổ chức những bữa tiệc linh đình tại nhà, mua căn biệt thự đắt tiền để kéo hết các con người, đám đàn ông, đàn bà cao sang nhưng phù phiếm về, chỉ để một lần bước chân Daisy – nàng thơ, cô gái mà Gatsby yêu say đắm – ghé qua.
Nhưng chuyện tình ấy nào đâu có thành, ngay cả khi Gatsby hứa cho Daisy một cuộc sống nhung lụa, xa hoa, đủ đầy, rằng cả tình yêu nữa. Nếu cho tôi viết về phim, tôi sẽ ngàn lần nói về tình yêu, về cách Gatsby “đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu, ngày mai chúng ta lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn”. Ôi tình yêu, tình yêu trong The Great Gatsby đầy buồn đau, là nỗi đau, thất vọng, là cái người ta vẫn hay chẹp miệng : “Ái tình là một trò ngu. Nào anh, nhất chín nhì bù, chơi không?”
Trong sách, khi Fitzgerald viết, và cũng như lúc Hemingway nhận xét lần đầu tiên khi đọc bản thảo, rằng, Fitzgerald đã bê nguyên si những bê tha, xuống cấp của một xã hội lộn nhào đạo đức, lí trí xã hội vào trong cuốn sách. Cô nàng Daisy tóc ngắn, không mặc áo ngực, để kiểu tân thời. Ngoại tình, đâm chết người, tất cả như lộn nhào lên thành những mối tình nực cười trong câu chuyện. Những con người sau Chiến tranh Thế giới I, một thế hệ mất mát (lost generation – một số sách dịch là Thế Hệ Bỏ Đi). Như Gatsby hay chồng của Daisy, toàn là những kẻ muốn giàu nên nhanh chóng, những kẻ làm ăn bất chính, nhưng sống xa hoa. Những phụ nữ như Daisy và cô bạn em họ của Daisy, phù phiếm: “Em chỉ mong, lớn lên, nó xinh đẹp, và là một đứa con gái ngốc. Xinh đẹp và ngốc. Thế là nó đã hạnh phúc rồi”.
Đọc The Great Gatsby ngay khi tôi đọc xong Hội hè miên man, cũng viết về F Scott Fitzgerald, và cuộc đời của Gatsby cũng như Fitzgerald như phản ánh nhau, bổ sung nhau, bổ sung về sự bất hạnh cho nhau. Gatsby yêu Daisy điên cuồng, rồi chết mà không có ai đến viếng. Cái chết Fitzgerald cũng yên lặng, không ồn ào, và chẳng ai nhớ tới. Ôi, Fitzgerald, có phải ông viết về mình, như một lời dự báo, có phải chăng “người là quả báo nhỡn tiền?”

No comments

Post a Comment

legiangcafe. Powered by Blogger.