LA MÃ SỤP ĐỔ - JÉRÔME FERRARI
Thông tin về sách
Tác giả: Jérôme Ferrari
Nhà xuất bản: NXB Văn học
Năm xuất bản: 2012 (bản tiếng Việt)
Giải thưởng: Goncourt 2012
La Mã sụp đổ là một cuốn sách không dễ đọc lắm. Không dễ vì bạn phải có những kiến thức văn hóa, lịch sử (khủng hoảng kinh tế, chiến tranh thế giới, sự sụp đổ của một đế chế hùng cường,...) mới hiểu hết được những điều tác giả muốn nói tới trong những trang sách không dày nhưng thật rộng. Jérôme viết liền một mạch theo tính kĩ thuật. Tính kĩ thuật ở đây chính là cách sắp xếp con chữ. Nguyên cả một chương, bạn có thể chỉ đọc 1 đến 2 đoạn văn, thậm chí chỉ là một đoạn duy nhất, việc xuống dòng (nếu có) chỉ là đối thoại của nhân vật. Tôi phải mất khá nhiều thời gian mới đọc xong cuốn này, vì mỗi khi gặp sự kiện lịch sử nào, lại phải tìm kiếm, tìm kiếm, như thế mới thấy kiến thức của mình chỉ giống con ếch ở đáy giếng sâu.
Đoạn giới thiệu tác phẩm về hai nhân vật Libero và Matthieu ngoài trang bìa khiến cho ban đầu bạn sẽ nghĩ đó là một câu chuyện thuật lại sự nổi loạn của đám thanh niên trẻ, do sống quá sung sướng mà sinh bướng bỉnh, muốn được khẳng định, muốn được thành công. Nhưng không, Marcel, kẻ còn lại cuối cùng của cuộc đời (ít nhất là trên trang sách) mới đúng là nhân vật trung tâm. Những gì Jérôme viết về Libero, về Matthieu, về cả Judith, cả sự méo mó, khốn nạn của cuộc hôn nhân giữa Claudie và Jacques, Marcel mới là trung tâm. Ông là biểu hiện của những tâm lí méo xệch, thứ tâm lí tâm thần mà lúc nào ông cũng tưởng tượng ra từ cuộc chiến tranh đẫm máu trong suốt cuộc đời đen tối của chính mình. Marcel chứng kiến những khổ đau tột cùng khi những người thân yêu ra đi: từ người vợ ông không biết chắc rằng có yêu hay không cho đến khi thấy bà chết, đến những đứa con, đứa cháu mà ông nghĩ rằng chúng là kết quả do chính ông gây lên, chính ông cấy vào trong gen của chúng những thói tật, những thứ tình yêu không phân biệt trên dưới, không suy nghĩ trước sau ấy.
Tập sách mỏng, chỉ hơn 200 trang giấy cũng chỉ in theo khổ rất nhỏ của nhà xuất bản, nhưng tôi cảm thấy chính mình đang nhìn cuộc đời qua một tấm gương xộc xệch, định kiến và sự thực cứ dặt dẹo, chồng chéo lên nhau. Mỗi nhân vật đều phản chiếu bằng chính tính cách của mình, đổ bóng của cái thân xác nặng nề lên bức tranh không còn nhiều màu tươi sáng. Thế giới La Mã đã sụp đổ bởi chính con người La Mã, bởi chính chúng ta. Tại sao ư? Vì mỗi lần phạm sai lầm, chúng ta lại đổ lỗi cho Đấng Sáng Tạo. Nhưng Đấng Sáng Tạo chỉ làm mỗi việc sáng tạo ra con người. Con người đã tự thoát ra khỏi bản thân Người Sáng Tạo, vượt qua và tự sống theo tính cá thể riêng mình. "Có thể La Mã sẽ không suy vong nếu người La Mã không chết". Người La Mã đã chết, và đế chế La Mã đã sụp đổ rồi.
Chúng ta rất hay nhầm lẫn về lỗi lầm của mình. Chúng ta chưa bao giờ nghĩ: mỗi kết quả thành công đều là do chúng ta đã cố gắng đủ nhiều. Đúng rồi, ý tôi nói là đủ nhiều. Phần lớn cuộc đời già nua của mình, Marcel sống trong dằn vặt. Ông chỉ nghĩ, nếu ông cố gắng hơn nữa, ông sẽ cứu được vợ mình khỏi cái chết; nếu ông chú ý hơn nữa, thì sẽ không có thứ tình yêu loạn luân giữa Jacques và Claudie. Tôi không biết, mọi thứ liệu sẽ tốt đẹp hơn không nếu Marcel làm khác đi những gì ông đã làm hồi còn trẻ. Tôi chỉ chắc chắn một điều: Marcel - kẻ ở lại cuối cùng - kẻ chứng kiến hết thảy những đớn đau của cuộc đời chính là người phải chịu tổn thương nhiều nhất. Người mất rồi sẽ tan vào hư vô. Chỉ còn người sống, người còn sống mới biết được rằng: nỗi đau và mất mát sẽ lớn lao đến dường nào.
No comments
Post a Comment