The Great Gatsby, Gatsby chỉ là đại gia


Tên sách: The Great Gatsby - Đại gia Gatsby Dịch giả: Trịnh Lữ NXB: Nhà xuất bản Văn học Công ty phát hành sách Nhã Nam
The Great Gatsby là cuốn sách hiếm hoi trong thời buổi cơm cháo thị trường, được rơi vào tay một dịch giả có tâm, Trịnh Lữ. Tôi vẫn nhớ những cuộc trò chuyện của Trịnh Lữ trên một số trang viết về mỹ thuật, sách, nghệ thuật không chính thống, nếu may mắn được anh nói về The Great Gatsby, chúng ta sẽ nghe một nhận định: The Great Gatsby, chỉ là Đại gia Gatsby, Gatsby không vĩ đại, chỉ có người viết Gatsby vĩ đại.
Tôi đọc The Great Gatsby một lần, xem phim một lần, và đọc lại một lần nữa khi gấp lại cuốn hồi kí Hội hè miên man của Hemingway. Có một nỗi buồn mênh mang khi nói về Gatsby, về tác giả F. Scott Fitzgerald. Một gã trai si tình, yêu Daisy đến miệt mài, làm giàu bằng mọi cách, để rồi khi chết, lại chẳng có ai nhớ đến. Đại gia Gatsby, dưới lời kể chuyện của nhân vật đứng ngoài lề các tuyến nhân vật chính, nói về Gatsby, kẻ sống và làm giàu sau Thế chiến I bằng cách buôn lậu rượu (lúc đó rượu là thứ bị cấm trong luật pháp của Hoa Kì). Gatsby giàu lên thật nhanh, anh tổ chức những bữa tiệc linh đình tại nhà, mua căn biệt thự đắt tiền để kéo hết các con người, đám đàn ông, đàn bà cao sang nhưng phù phiếm về, chỉ để một lần bước chân Daisy – nàng thơ, cô gái mà Gatsby yêu say đắm – ghé qua.
Nhưng chuyện tình ấy nào đâu có thành, ngay cả khi Gatsby hứa cho Daisy một cuộc sống nhung lụa, xa hoa, đủ đầy, rằng cả tình yêu nữa. Nếu cho tôi viết về phim, tôi sẽ ngàn lần nói về tình yêu, về cách Gatsby “đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu, ngày mai chúng ta lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn”. Ôi tình yêu, tình yêu trong The Great Gatsby đầy buồn đau, là nỗi đau, thất vọng, là cái người ta vẫn hay chẹp miệng : “Ái tình là một trò ngu. Nào anh, nhất chín nhì bù, chơi không?”
Trong sách, khi Fitzgerald viết, và cũng như lúc Hemingway nhận xét lần đầu tiên khi đọc bản thảo, rằng, Fitzgerald đã bê nguyên si những bê tha, xuống cấp của một xã hội lộn nhào đạo đức, lí trí xã hội vào trong cuốn sách. Cô nàng Daisy tóc ngắn, không mặc áo ngực, để kiểu tân thời. Ngoại tình, đâm chết người, tất cả như lộn nhào lên thành những mối tình nực cười trong câu chuyện. Những con người sau Chiến tranh Thế giới I, một thế hệ mất mát (lost generation – một số sách dịch là Thế Hệ Bỏ Đi). Như Gatsby hay chồng của Daisy, toàn là những kẻ muốn giàu nên nhanh chóng, những kẻ làm ăn bất chính, nhưng sống xa hoa. Những phụ nữ như Daisy và cô bạn em họ của Daisy, phù phiếm: “Em chỉ mong, lớn lên, nó xinh đẹp, và là một đứa con gái ngốc. Xinh đẹp và ngốc. Thế là nó đã hạnh phúc rồi”.
Đọc The Great Gatsby ngay khi tôi đọc xong Hội hè miên man, cũng viết về F Scott Fitzgerald, và cuộc đời của Gatsby cũng như Fitzgerald như phản ánh nhau, bổ sung nhau, bổ sung về sự bất hạnh cho nhau. Gatsby yêu Daisy điên cuồng, rồi chết mà không có ai đến viếng. Cái chết Fitzgerald cũng yên lặng, không ồn ào, và chẳng ai nhớ tới. Ôi, Fitzgerald, có phải ông viết về mình, như một lời dự báo, có phải chăng “người là quả báo nhỡn tiền?”

Yêu trong bóng tối, Tanizaki Junichiro, nỗi bi thương giữa ánh sáng và bóng tối

YÊU TRONG BÓNG TỐI

TANIZAKI JUNICHIRO

Tên: Yêu trong bóng tối
Tác giả: Tanizaki Junichiro
Dịch: Nhật Chiêu
Nhà xuất bản: NXB Văn Nghệ
“Ta còn chưa kịp ngủ
Trong đêm mùa hạ này
Tiếng chim oanh gợi nhớ
Lời vĩnh biệt từ đây”

Ba ơi, mình đi đâu?, trái tim run rẩy, cười rồi khóc

Rất lâu sau khi chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế của Hàn Quốc và Trung Quốc phát sóng, rồi tới chương trình của Việt Nam mua lại bản quyền, tôi cứ thấy câu nói nghe chừng quen quá. Khi xem lại giá sách, tôi vô tình thấy lại cuốn sách này. Trong cuốn Phía đông vườn địa đàng, John Steinback đã viết như thế này: "mỗi đứa trẻ đều chịu sự giáo dục rất lớn từ người cha của chúng". Với cuốn này của Jean-Louis Fournier lại càng đúng hơn nữa.

Khu vườn bí mật, Frances Hodgson Burnett

Có một chuyện cổ tích không hề có ông bụt bà tiên hiện lên nhưng vẫn xuất hiện thật nhiều phép mầu kì diệu, câu chuyện đó mang tên "Khu vườn bí mật". Nếu như ai đã từng đọc, dù vẫn là trẻ con hay đã trưởng thành hẳn là đều sẽ ao ước được bước chân vào khu vườn đó: tận hưởng không khí trong lành, hít hà mùi thơm của đất và cây hoa, lắng nghe tiếng chim ríu rít. Sẽ thèm lắm có một mảnh đất nho nhỏ, một chiếc mai và nhúm hạt giống, xới đất vun trồng thành khu vườn của riêng mình.

Nhóc Nicolas -René Goscinny & Jean Jacques Sempé

Tự thú của một tín đồ nhóc Nicolas :"Tôi yêu truyện này kinh lên được, thật sự bộ này cực kỳ hết sảy" Không phân biệt giới tính, độ tuổi, màu da, là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người thích cười.
Tập truyện chỉ đơn giản viết về những điều vặt vãnh xảy ra xung quanh nhóc Nicolas trứ danh chưa quá tuổi lên mười, chính sự đơn giản đó lại khiến chúng ta say mê: trẻ con thấy giống quá, người lớn thấy nhớ quá.

Bạch dạ hành, bi kịch chuyến hành trình trong mặt trời đêm

“Trong một ngày, có lúc mặt trời lên cao, cũng có lúc mặt trời lặn xuống. Đời người cũng thế, có ban ngày thì phải có đêm đen, chỉ là không giống như mặt trời kia, lúc lặn lúc mọc theo định kì. Có một số người, cả đời đều sống dưới ánh mặt trời rực rỡ, cũng có một số người lại không thể không sống trong đêm đen.”

Người đua diều, suy nghĩ về Amir

Tôi luôn nghĩ Người đua diều của Khaled Hosseini là một cuốn sách thực sự cảm động. Một cuốn sách khiến chúng ta khi gấp lại rồi, vẫn muốn suy nghĩ về hai cậu bé, hai con người tuy không trái ngược hoàn toàn về tính cách nhưng lại có cách nhìn về cuộc sống khác nhau. Do hoàn cảnh? Do dòng máu? Hay còn những lí do nào khác nữa? 

Trên đường, Jack Kerouac

Tôi đã phải dừng lại rất lâu cho cuốn này của Jack Kerouac, một cuốn sách được mọi thế hệ cho rằng: Nó đã lưu lại gần hết những tâm lí xã hội của thế hệ nhạc jazz, những con người sau Thế chiến thứ II

Chuyện tình Lệ Giang

Khi máy bay chiếc nọ nối tiếp chiếc kia cất cánh, tôi không biết nàng ngồi trên chiếc nào.
Mỗi chiếc bay lên, đều có  thể mang người tôi yêu đi mất
Chiều đó, nàng đã ra đi rất nhiều lần. Mỗi môt lần máy bay ầm ầm cất cánh, tôi lại khóc rống lên
Tôi cảm giác như tim mình bị nàng đem đi mất. Tôi sờ lên động mạch, không thấy đập, sờ lên tim,cũng không thấy đập, tôi lại dùng tay đập đập vào lồng ngực, đập liền mấy cái, been trong phát ra những tiếng vọng trống rỗng.
Cứ như thế, chiều đó, tôi từ một người trống rỗng thành một người không có trái tim

Vô tri, Milan Kundera hay một cuộc trở về

Edgar Watson Howe đã từng viết thế này: "Cảm giác tệ nhất trên thế gian chính là nỗi nhớ nhà đến thường xuyên với một người, khi anh ta đang ở nhà".

Mắt biếc, câu chuyện tình buồn - Nguyễn Nhật Ánh

MẮT BIẾC
Thông tin tác phẩm

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Nhà xuất bản: NXB Trẻ

Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Nhật Ánh đều cố gắng giữ một vẻ trong sáng, thuần khiết và thêm rất nhiều sự dí dỏm, hóm hỉnh của những đứa trẻ. Nhưng trong Mắt biếc, vẻ trong sáng và thuần khiết ấy vẫn có, nhưng nó lại đượm buồm, một cái buồn be bé, dai dẳng. Tuy không ám ảnh hay day dứt, nhưng có lẽ, vì đó là một câu chuyện tình, một câu chuyện tình của những đứa bé rồi trưởng thành nên nó buồn nhiều hơn vui.

BCG bàn về chiến lược, những mô hình chưa bao giờ cũ


BCG BÀN VỀ CHIẾN LƯỢC
Thông tin về sách

Tên tiếng Anh: The Boston Consulting Group on strategy
Tác giả: Boston Consulting Group
Nhà xuất bản: NXB Thời Đại

Tiếng gọi nơi hoang dã hay khát vọng trời đất, Jack London

TIẾNG GỌI NƠI HOANG DÃ
JACK LONDON

Thông tin về sách

Tên tiếng Anh: The call of the wind
Tác giả: Jack London
Nhà xuất bản: NXB Lao Động
Năm xuất bản: 1903 (bản tiếng Anh), 1983 (bản tiếng Việt do Nguyễn Công Ái và Vũ Tuấn Phương dịch)
Một số tác phẩm khác của Jack London: Nanh trắng, truyện ngắn Kẻ bỏ đạo, truyện ngắn Nhóm lửa, truyện ngắn Đoạn kết của câu chuyện cổ tích,...

La Mã sụp đổ, có phải do chính chúng ta - Jérôme Ferrari

LA MÃ SỤP ĐỔ - JÉRÔME FERRARI

Thông tin về sách

Tác giả: Jérôme Ferrari
Nhà xuất bản: NXB Văn học
Năm xuất bản: 2012 (bản tiếng Việt)
Giải thưởng: Goncourt 2012

Patrick Modiano, giải thưởng Nobel văn học 2014

Rất nhanh chóng ngay khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố Patrick Modiano thắng giải Nobel Văn học 2014, các thông tin về tác giả được tìm kiếm khắp nơi.



Tên đầy đủ: Patrick Modiano
Ngày sinh: 30/07/1945
Quốc tịch: Pháp (Cha là người Italy gốc Do Thái, mẹ là người Bỉ)
Một số giải thưởng:
- 1972, giải Tiểu thuyết hàn lâm Pháp, Boulevard de ceinture (Những đại lộ ngoại vi)
- 1978, giải Goncourt - Rue des boutiques abscures (Phố những cửa hiệu u tối)
- 2000, giải thưởng Văn học trọn đời Paul - Morand
- 2010, Radio được đọc nhiều nhất, Quảng trường ngôi sao

Gia đình
Cha là Albert Modiano (1912 - 1977), người gốc Do Thái, thuộc dòng họ Sephardic. Mẹ là Louis Colpijin, người Bỉ, hay được gọi dưới tên khác là Louisa Colpeyn. Cha mẹ Modiano gặp gỡ và yêu nhau trong suốt thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới II. Modiano sinh ra trong sự thiếu vắng tình thương của người cha suốt thời gian thế giới có nhiều chiến sự. Ông đi học dưới sự viện trợ của chính phủ, học hết cấp 2. Sự thiếu thốn ấy cũng đã giết chết em trai của ông, Rudy, chết vào năm 10 tuổi. Khoảng thời gian này cũng được nhắc đến trong cuốn Un Pedigree (xuất bản năm 2005).

Modiano kết hôn với Dominique Zehrfuss vào năm 1970. Năm 2003, trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Elle, ông nói "Tôi đã có những kí ức kinh hoàng trong ngày tổ chức đám cưới. Trời mưa và đó thực đúng là cơn ác mộng. Phù rể của chúng tôi là Queneau, và Malraux (một người bạn của cha). Mọi người bắt đầu tranh cãi chỉ vì vài tấm ảnh, người thì quên camera, người thì quên mang phim chụp,... Tất cả giống như một trận bóng tennis rối rắm vậy". Modiano có hai người con là Zina sinh năm 1974 và Marie sinh năm 1978.

Học tập
Modiano học tiểu học tại trường Montcel ở Jouy-en-Josas, sau đó là trường Henri-IV tại Paris. Trong thời gian học tại Paris, ông chịu ảnh hưởng từ Nhà văn Raymond Queneau, một người bạn của mẹ ông. Tốt nghiệp và nhận bằng tú tài, Modiano cũng không tiếp tục theo đuổi việc học cao hơn nữa.

Sự nghiệp
Cuộc gặp mặt Queneau lần đầu, tác giả của cuốn Zazie dans le métro (tạm dịch: Zazie tại tàu điện ngầm) là cuộc gặp gỡ định mệnh. Chính Queneau đã giới thiệu Modiano tới giới văn học bằng một bữa tiệc rượu nhẹ tại nhà của Biên tập viên Gallimard. Năm 1968, ông xuất bản tác phẩm đầu tiên La Place de l'Étoile (Quảng trường ngôi sao), một cuốn tiểu thuyết viết về cộng đồng người Do Thái, lấy ý tưởng từ một ghi chép của Queneau.

1973, Modiano hợp tác với Lacmbe Lucien viết một kịch bản phim. Kịch bản đã tạo ra những tranh cãi dẫn tới vụ kiện liên quan tới một số rắc rối chính trị.

Sự nghiệp
Các tác phẩm của Modiano hầu hết miêu tả một phần của thời gian bị đánh mất. Nỗi ám ảnh với những vấn đề, nỗi xấu hổ mà cha ông luôn cảm thấy trong thời điểm sắp mất. Modiano nói :"Sau mỗi cuốn tiểu thuyết, Tôi thường có ấn tượng rằng tôi sẽ phải đi theo một con đường nào đó hoàn toàn khác. Nhưng khi tiếp tục bắt đầu, tôi lại quay trở lại (một lần nữa) với những chi tiết vụ vặt, những điều nho nhỏ như một phần của chính tôi. Cuối cùng, chúng ta lại quay về đúng thời điểm, đúng thời gian khi chúng ta sinh ra".

Modiano thường xuyên dành nhiều câu chữ của mình viết về Paris, viết về những cuộc cách mạng đường phố, những thói quen nhỏ nhặt của chính nơi này.

Cuốn sách thứ 26 của Modiano - L'Horizon (tạm dịch: Đường chân trời), nói về Jean Bosmans, một người đàn ông bé luôn bị theo dõi bởi chính hồn ma của mẹ mình. Jean gặp Margaret và hai người yêu nhau say đắm vào những năm 1960. Nhưng đột nhiên, một ngày, Margaret biến mất khỏi kí ức của Jean. 40 năm sau, anh ta lại tiếp tục yêu. Lần này thì sẽ với ai và có những chuyện gì xảy ra nữa đây? Cuốn tiểu thuyết vẫn mang đậm phong cách của Modiano. Luôn luôn có một sai lầm nào đó trong cả một thế hệ

Năm nay, Modiano thắng giả Nobel văn học, với sự nhận định " nghệ thuật của ký ức, ông đã tái hiện những số phận khó nắm bắt nhất và khám phá thế giới - cuộc sống trong sự chiếm đóng". Modiano đã vượt qua những gương mặt sáng giá nhất như Haruki, Syetlana Alexievich, nhà thơ người Syrian - Adunis.

(Dịch và tổng hợp)

Chuyện con mèo dạy hải âu bay, tình yêu của Zorba - Luis Sepúlveda

Điều kiện cần và đủ để đọc cuốn sách này : YÊU MÈO





Thông tin về sách

Tác giả: Luis Sepélveda

Nhà xuất bản: NXB Hội nhà văn

Xuất bản: 


Câu chuyện đọc được khá lâu rồi, trong một tiệm cafe sách nhỏ, ở một hẻm con cũng chẳng lớn lắm trên đường Võ Văn Tần, Quận 3. Tập sách mỏng, phù hợp với một chiều ngắn ngủn về thời gian và dằng dặc về không gian tâm lí. Chú mèo Zorba làm ấm lên cả buổi chiều của tôi bằng thứ tình yêu đơn giản hết mức có thể

1. Không ăn trứng.
2. Chăm sóc con chim non chào đời.
3. Dạy cho nó biết bay.

Đó là những lời hứa của Zorba và các bạn của mình, lời hứa không được khắc trên bia, không được đánh dấu của bất kì cơ quan lập pháp nào, nhưng quan trọng hơn, nó được khắc cốt bằng thứ tình yêu đơn thuần

"Đây không phải là một câu chuyện cổ tích. Dù bạn sẽ tìm được một kết thúc kỳ diệu đúng như mong mỏi, nhưng nó không đến từ những phép màu. Nó đến từ nỗ lực và trái tim rộng mở của những con mèo, từ lòng kiêu hãnh thủ tín và tình yêu không định kiến của những sinh vật bé nhỏ trên cảng Hamburg. Zorba và những người bạn của nó đã vượt qua cái bản năng hoang dã của loài mèo, để ôm ấp vào lòng một quả trứng và sưởi ấm cho đến ngày con hải âu bé nhỏ chào đời. Và khi đã vượt qua cái bản năng ấy, con chim bé nhỏ không còn là một món ăn béo bở nữa, nó là một đứa con gợi lên ở lũ mèo tình mẫu tử ngọt ngào, điều mà trước giờ những con mèo mới chỉ biết nhận từ chủ của mình. Zorba bảo vệ đứa con nhỏ của mình, mớm cho nó từng con ruồi mà mình bắt được, xòe đủ vuốt mình ra cho bất cứ kẻ nào có ý định nhòm ngó con chim non. Nó đã yêu thương con hải âu không phải vì lời hứa. Đó là tình yêu vô điều kiện"

Tình yêu, là một điều gì đó thật khó lí giải, thật khó để cắt nghĩa. "Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để yêu thương một ai đó giống mình, nhưng để yêu thương một ai đó khác mình thật sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó..." Zorba và bạn bè nó đã yêu con hải âu mà không hề có ý định biến nó thành một con hải âu lai mèo, không định cho nó sống cuộc đời của một con mèo, dù điều đó sẽ dễ dàng hơn với chúng. Với tất cả tình thương và sự tôn trọng một bản sắc khác biệt, chúng đã thực hiện lời hứa cuối cùng : dạy cho con hải âu bay.

* Những dòng chữ màu xanh được nhặt về từ một tiệm sách cũng xíu xiu ở Quận 3 - Kafka Bookstore, chưa tìm thấy trang nào của tiệm sách này để gửi lời cảm ơn nữa.

Bay đêm, tình yêu từ bóng tối vũ trụ - Antoine Exupéry


Thông tin về sách

Tác giả: Antoine de Saint Exupéry

Nhà xuất bản: NXB Hội nhà văn

Xuất bản: 1939



Tôi chọn Bay đêm vào dịp Hội sách Hồ Chí Minh 2014. Những cuốn sách của Antoine de Saint-Exupéry đều là tập giấy nhỏ, gọn ghẽ. Bìa sách lần này được Nhã Nam thiết kế đơn giản, lấy màu xanh của bầu trời chập choạng tối đến đêm làm màu chính.

Mỗi nhà văn luôn thành công khi viết về chính mình và Antoine cũng là cây bút xuất sắc trong lĩnh vực này. Cuốn "Bay đêm" viết về chuyến đi của những phi công trẻ qua "hàng trăm km thảo nguyên hoang vắng hơn cả biển cả", xuyên qua "những cơn dông vẫn ẩn nấp đâu đây, như những con sâu chui trong cỏ ngọt". Câu chuyện tiếp tục nói sâu hơn về đội vận chuyển thư tín vào những năm khó khăn nhất của chiến tranh. Bằng cách phân tích chiều sâu tâm lí nhân vật qua hình ảnh của ông đội trường, chàng phi công vừa hoàn thành nhiệm vụ, ông lão già cả lẩn thẩn lỡ làm sai một lỗi nhỏ, và cả cô vợ khi tin chồng mình mất tích lúc vận chuyển thư,... tất cả đã nhào nặn lên một không gian vừa tĩnh mịch nhưng lại gầm gào từ sâu thẳm bên trong.

Antoine đưa rất khéo những trải nghiệm chân thật nhất của cuộc đời phi công chính mình vào trang sách, thêm vào đấy là những triết lí chiêm nghiệm từ mỗi chuyến bay. "Nếu ta cứng rắn, các hỏng hóc khác giảm hẳn. Kẻ chịu trách nhiệm không phải con người, nó giống như một thế lực tối tăm không khi nào con người đụng tới được nếu không đụng chạm tới mọi người".

Và bầu trời của Bay đêm đẹp quá! Những bóng tối bao trùm cả thành phố, những tia sáng lân tinh nhìn từ trên chiếc máy bay, những tín hiệu, tiếng rè rè của điện tín khiến cho bức tranh nghề, bức tranh thiên nhiên càng hấp dẫn dù đó chỉ là sự đơn sắc với ít nhiều chấm phá. Mỗi nghề nghiệp là cả một sự trân quý. Họ, những phi công cứng rắn, quả cảm, họ đã lựa chọn và được lựa chọn, chấp nhận những thử thách và sinh tồn mà cuộc đời mang đến cho họ và rồi họ yêu nó, yêu bóng tối thiên nhiên, yêu nghề nghiệp. Như là tình yêu chân thật nhất, chúng vây lây chính họ trong mỗi thời khắc hạnh phúc hoàn thành nhiệm vụ.

Cánh buồm đỏ thắm - Aleksandr Grin

Cánh buồm đỏ thắm được coi như một truyện cổ tích kinh điển của tuổi thơ, một tiểu thuyết mang âm hưởng hạnh phúc của nàng công chúa và hoàng tử.

Tôi không phải dành quá nhiều thời gian để đọc cuốn truyện này vì cốt truyện khá rõ ràng, mạch lạc. Grin hoàn toàn dùng chính trái tim nhân hậu và cái nhìn bao dung của chính mình để viết về cô bé Assol và chàng thuyền trưởng Arthur. Cô bé với cánh buồm ước mơ cứ in đậm trong kí ức của mình từ hồi nhỏ, đi xuyên suốt mạch truyện, giống như một niềm tin vĩnh cửu vào cuộc sống hạnh phúc, một thứ hạnh phúc giản dị nhưng đầm ấm và xiết bao mơ ước.

Nói về những gì dễ thương mà Assol mang lại trên trang sách thì đã có quá nhiều lời ngợi khen cho cô bé. Tôi có phải là một người đọc hiếm hoi chăng khi thấy câu chuyện vẫn mang một chút buồn bã, một cái kết thực không có hậu lắm. Vấn đề nằm ở chỗ chàng Arthur. Chàng là một thuyền trưởng, một người sống bằng cái nghề đi tàu viễn dương vậy, như ông Longren - bố của Assol. Trong tôi, lại có một dự cảm mơ hồ, một nỗi sợ ám ảnh về cái cuộc sống sau này của cô bé. Mẹ của Assol sinh Assol và mất cũng vì Longren đi tàu xa lâu ngày không thể về chăm sóc gia đình bé nhỏ. Ông Longren nuôi nỗi uất hận về sự tàn ác của dân làng cũng bắt nguồn từ chính công việc đi tàu xa nhà của chính mình. Sau này, người mang đến hạnh phúc cho con gái ông cũng là một kẻ lấy tàu và biển là thứ nuôi thân và rong chơi như ông. Đời người, sao cứ loanh quanh, luẩn quẩn những thói quen đã có từ trước, những hình ảnh đã đổ bóng lớn trong lòng mỗi người quá lớn đến vậy.

Nhưng không phải tôi mất niềm tin quá nhiều vào cái kết ấy đến thế. Đối với bóng đen của cuộc sống trần thế, cần phải có sự nhẫn nại tế nhị như của người đến chơi một nhà đông khách, trong khi chờ đợi người chủ đang bận tíu tít thì phải biết ăn ở theo thời. Và tôi đã đón lấy cái nhân văn của Grin trong Cánh buồm đỏ thắm bằng lời an ủi như thế.

Truyện của Vệ Tuệ


TRUYỆN CỦA VỆ TUỆ



Nếu ai đã từng đọc Nỗi đau của chàng Werther của Goeth, và hiểu lí do tại sao Buồn ơi chào mi của Francoise Sagan trở thành cuốn sách bán chạy nhất của văn học Pháp thì sẽ thấu hiểu được tại sao những nhân vật trong truyện ngắn của Vệ Tuệ lúc nào cũng chông chênh, bấp bênh, luôn lao đầu vào những cuộc tình vốn không bao giờ có tình yêu. Tất cả những mối tình của Vệ Tuệ gây dựng cho nhận vật mình đều chỉ là cuộc cuồng loạn và chống đối mạnh mẽ của thể xác mà những người ấy, họ luôn không hiểu tại sao mình lại thế này, không có một lí do nào rõ ràng để giải thích cho chính mình.

Càng ngày họ càng thấy mình trưởng thành, nhưng đó chỉ là sự lớn lên của thân xác. Chúng ta đọc Vệ Tuệ, mỗi lần lại thấy như chính trái tim mình bị ai đó bóp nghẹt, bóp chặt đến nghẹt thở. Khi cô gái trong truyện "Ánh trăng trên giường" nhảy ra ngoài cửa sổ của căn hộ người tình sau khi nói rằng em có thai rồi, khi người đàn ông trong truyện "Theo dõi" kết thúc bi kịch cuộc đời của mình bằng nỗi dằn vặt vô biên bởi mỗi lần theo dõi vợ mình, nhìn thấy ảo ảnh của vợ mình, lúc nào cũng điên tuồng trong ghen tuông rằng cô ấy ngoại tình, rằng cô ấy luôn uống thuốc tránh thai vì không yêu mình, đấy, khi mỗi con người trong truyện của Vệ Tuệ cứ như tất cả những tấn bi kịch của cuộc đời tin rằng "yêu luôn khiến mỗi người tuyệt vọng".

Đọc hết Vệ Tuệ, tôi lấy thấy một chút mình trong đó, một chút cô đơn, một chút hoài nghi của chính mình trong câu chữ và tiếng nói của cô. Đớn đau quá những thứ cứ tưởng đó là tình yêu chính mình, rồi nhận ra không phải mà lại chả biết tại sao. Cảm giác xa lạ vĩnh viễn tồn tại trong tình yêu và chuyện hoang đường vẫn được tạo dựng. Nhưng nhân vật và tác giả đều đã biến mất.

Nanh trắng - Jack London

NANH TRẮNG
JACK LONDON


Thông tin về sách

Tác giả: Jack London

Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên

Xuất bản: 2003

Bích Thủy phỏng dịch



Như một cuốn tiểu thuyết song hành của Tiếng gọi nơi hoang dã của chính mình - Jack London, Nanh Trắng được viết qua hai con mắt, cái nhìn sáng rực của con chó sói lai chó nhà với bối cảnh của đất nước Canada trong thời kì đổ xô đi tìm vàng Klondie, cuối thế kỉ 19. "Quy luật của thiên nhiên thật kì lạ. Quyền sống đối với kẻ này là ăn thịt kẻ kia, đối với kẻ kia là làm thế nào để khỏi bị ăn thịt".

Nanh Trắng sừng sững trên trang sách, vốn không có bất kì một cái tên riêng nào,  ngay cả Một Mắt, Chồn Xám được gọi xuyên suốt câu chuyện cũng chỉ là những đặc điểm nổi trội nhất được viết hoa. Một Mắt được gọi là một mắt vì đó là một sói già chỉ còn một mắt, Chồn Xám là chồn xám vì bộ lông của nó có màu xám khói đặc trưng nhất cả bầy. Và Nanh Trắng cũng vậy, nó là một con sói có thể dùng chiêc nanh của mình để hạ gục đối thủ trong những thế hiểm hóc nhất. Bằng những bài học của mẹ mình, bằng những cái nhìn và sự cảm nhận hoang dã nhất, Nanh Trắng dần trở thành con sói khỏe mạnh, với những lối đánh, lối vật không ai có thể địch nổi, và cũng trở thành một con sói chứa trái tim ấm nóng nhất. "Từ tận sâu của những yếu đuối và khiếp đảm, nó tung ra lời thách thức đầy hăm dọa đối với cái thế giới mênh mông bao quanh nó". Nó nhìn những bạn sói, nhìn những kẻ thù, cả con người từ Smith đẹp trai đến vị thần yêu thương của chính mình bằng một con mắt chân thực nhất của loài động vật hoang dã, một niềm tin sắt đá nhất với chân lí "không nên tin vào bề ngoài mà trước hết phải qua thử thách thực tế".


Jack London không quá khó khăn để kể về những con sói này, giọng văn của ông như kể về một người bạn hay đơn giản như thuận lại câu chuyện của người bạn thân nhất đã được kể trong một đêm. Không cố ý đan xem vào những triết lí của cuộc sống mà khiến cho người đọc nhìn cuộc sống con người qua đôi mắt loài sói, từ bản năng hoang dã, trần trụi nhất của một đứa sói con đến khi mất mẹ rồi lại tìm thấy mẹ, từ những không gian tàn ác, khắc nghiệt nhất của vùng núi phía Bắc Canada lạnh thấu xương đến miền Nam ấm áp. Bất chợt, tôi nghĩ, không một cá thể có linh hồn nào lại không muốn được yêu thương, yêu thương một cách thành thực và chân thành nhất. Cuộc sống vốn đã chỉ là sự sống còn, đấu tranh đến bi thảm, chỉ còn tình yêu, chỉ còn những thương yêu từ tận sâu trái tim nóng bỏng có thể còn mạnh mẽ hơn mỗi nỗi sợ hãi, hay cả sự nghẹt thở của cái chết gây ra.

Nanh Trắng đã được làm thành phim vào công bố vào năm 1991, đạo diễn Randal Kleisser, cùng 3 diễn viên Ethan Hawke, Klaus Maria Brandauer và Seymour Cassel.

Bắt trẻ đồng xanh - JD Salinger

BẮT TRẺ ĐỒNG XANH
J D SALINGER
Thông tin về sách

Tác giả: J.D Salinger

Nhà xuất bản: NXB Văn học

Xuất bản: 2008 (tái bản 2012)


Holden Caufield, 17 tuổi, bắt đầu kể lảm nhảm với tôi bằng cái giọng rề rà và sặc mùi chán đời không hề che giấu. Đây là lần thứ tư cậu ta bị đuổi khỏi trường với lí do không có gì mới hơn chuyện trượt môn hay bị kêu ca là lười học. Suốt hơn 300 trang sách giở đi cậu ta chỉ nói về mấy ngày sau đó, chẳng có lấy một đồng kịch tính, vậy mà vẫn khiến tôi mê như điếu đổ.





Nhiều khi tôi thấy rầu đời bỏ mẹ. Bạn cũng sẽ rầu thôi nếu tự dưng có một thằng chết dẫm vác cái giàn khoan mắc dịch nào sang nhà bạn mà cứ gân cổ lên rằng là bạn cướp nhà nó; hay lúc gặp chuyện dở mà cứ phải nhe răng ra cười niềm nở; hay cả vạn năm mới tóm được một cuốn sách khiến bạn khoái điên lên nhưng đến lúc khởi sự viết về nó thì lại chả nghĩ ra cái thổ tả gì sất! Ối giời, tôi đến chết được! Chắc tôi hơi bị thằng cha Holden Caufield ám ảnh chút đỉnh. Ý không phải là tôi đổ chả các thứ, mà là chả cứ làm tôi nhớ đến mấy lời dịch hạch của chả suốt và không làm sao mà suy nghĩ cho ra hồn.

Tôi vừa thử bắt chước cái giọng tỉnh rụi của Holden, nó làm tôi chết mệt. Holden có cái vẻ ngổ ngáo không mấy xa lạ của đám thiếu niên mới lớn. Cậu ta hút thuốc như cái ống khói. Cậu nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ phớt đời và tục tĩu - nếu là người không chịu được nói bậy thì bạn đến xé toạc quyển sách ra quăng xó trước khi đọc xong mất, bằng không thì bạn có lẽ sẽ kiếm được một câu nói mà cậu ta không dùng từ tục trong chừng một vạn câu nói cả thảy của cậu. Tôi chút nữa thì rơi vào trường hợp đầu, nhưng hình như tôi hơi tào lao rồi thì phải. Dù sao thì, bọn thiếu niên mới lớn đều có cái kiểu ngáo thế, nhưng ở cậu có sự khác biệt. Sâu bên dưới lớp vỏ bọc như loại "mất dạy" kia là một trái tim lương thiện và đa cảm.

Ở cái tuổi 17 vừa bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, đáng ra phải phơi phới yêu đời và tràn đầy sức sống thì cậu ta đã nhìn mọi thứ bằng con mắt hết sức tiêu cực. Cậu chừng như ghét tất thảy: mấy thằng bạn hôi hám hoặc chỉ trực khoe mẽ ở trường, những đứa con gái luôn làm bộ duyên dáng tiểu thư, những môn học chán ốm, những bộ phim nhét đầy sự kệch cỡm giả dối, cái xã hội xám xịt bốc mùi và rặt những thứ bộ tịch phát tởm... Với cái đầu chứa đầy sự thù ghét mà hẳn rằng đã hình thành từ rất lâu đó, tôi ngạc nhiên thấy cậu có thể chịu đựng được suốt bao năm qua.

Suốt 325 trang sách kể lại 4 ngày lang thang sau khi bị đuổi học, bằng những con chữ như được phù phép, J. D. Salinger trong vai cậu trẻ Holden đã khiến tôi phải cùng khóc, cùng cười. Tôi cứ tủm tỉm suốt vì cậu không ngừng thắc mắc xem những con vịt đi đâu vào mùa đông khi cái hồ bị đóng băng, y hệt một đứa trẻ. Có một cuộc đối thoại rất buồn cười giữa cậu và gã tài xế, tôi phải nói vậy.
"Anh biết những con vịt lội quanh quẩn trong ao ấy chứ? Về mùa xuân các thứ? Anh có chẳng may biết về đông chúng đi đâu không?"
"Về mùa đông ai đi đâu?"
"Những con vịt, anh biết không? Nghĩa là tôi muốn hỏi, có ai đem xe hay gì ấy đến chở chúng đi, hay chúng tự bay đi, một mình - bay về Nam hay một nơi nào chẳng hạn?"
[...]
"Biết quái thế nào được? Mà biết làm cái quỷ gì ấy?"
Và:
"Được rồi, thế thì bọn cá các thứ, chúng làm gì khi cả cái hồ là một khối đông cứng và người ta trượt băng trên ấy các thứ?"
[...]
"Chúng cứ sống trong khối nước đá ấy. Trời sinh chúng như vậy, quỷ thần ạ. Chúng đông nguyên chỗ suốt mùa đông.[...] Cơ thể chúng tự ngấm chất nuôi sống các thứ, ngay qua những rong rêu các thứ ở trong nước đá. Lỗ chân lông chúng mở ra suốt mùa."
Haha, "chúng đông nguyên một chỗ suốt mùa đông" với lại "lỗ chân lông chúng mở ra suốt mùa", tôi cười đến chảy nước mắt mất.
Thế rồi tôi lại chảy nước mắt thật. Khi cậu muốn tâm sự với ả gái giang hồ thay vì chơi ả và đến cuối cùng lại bị ả với lão già giữ thang máy giở trò lưu manh trấn lột của cậu mấy đồng tiền, tôi cứ lẩm nhẩm với cậu, "đừng khóc, mạnh mẽ lên nào ông mãnh," nhưng cố nhiên là cậu ta cứ khóc như thường và khiến tôi không khỏi bắt chước theo một tẹo. Tôi lại chảy thêm một giọt nước mắt khác khi nghĩ về ông thầy dạy sử Spencer với bộ ngực già nua hom hem và mùi thuốc nghe muốn bệnh trong phòng ổng, nhưng ổng đã rất thật lòng và tốt bụng với Holden. Thêm một giọt nữa khi nghĩ đến cảnh thằng bé James Castle tự tử vì không thể chịu thêm cảnh bị tra tấn tinh thần bởi những thằng bạn mất dạy xung quanh, mà tất cả những gì lũ lĩ bẩn thỉu ấy phải chịu chỉ là bị đuổi cổ khỏi trường học. Và thêm một giọt nữa khi tưởng tượng ra cảnh Holden hung hăng chạy ra đường dùng tay không để đập nát hết mấy cái cửa kính của bất cứ cái xe nào cậu gặp, trong cái đêm bé Allie - em trai cậu - mất vì ung thư máu. Mà cũng có khi là có một giọt cuối cùng xen lẫn với một cái bật cười khi nghĩ đến cảnh cậu ngồi cặm cụi lau những chữ "Đù má" bẩn thỉu trên tường có thể ảnh hưởng xấu đến bọn trẻ và chửi thằng phải gió nào đã làm ra chúng trong khi bình thường cậu chửi tục nhiều bỏ mẹ ra. Ối giời, tôi đến chết được! Làm như tôi dễ khóc lắm ấy.

Nhưng khoan đã, sẽ thật thiếu sót nếu tôi bận khóc lóc và làm bộ làm tịch các thứ mà quên nhắc đến thiên thần Phoebe, em gái Holden. Cậu ta cứ luôn miệng rằng cô bé rất đáng yêu và thông minh, bạn phải gặp em mới được... Giời ạ, tôi khá là không cần: tôi có thể cảm nhận được qua trang sách. Cô bé cứ nói luôn rằng "Bố sẽ giết anh!" khi biết Holden bị đuổi học, cô bé vừa giận dỗi phút trước và rồi phút sau lại đã sẵn sàng cho anh mượn tất cả số tiền tích cóp được, cô bé hồn nhiên xách va li đòi đi theo anh khi cậu ta cho rằng mình sẽ đi xa để bắt đầu một cuộc đời mới và rồi cô bé bằng chính cách đó để giữ chân Holden... "Anh không đi đâu nữa." Xong, tôi đã thở phào một cái nhẹ nhõm, bạn biết đấy, khi ông mãnh chịu phun câu nói ấy ra.

Nói thật sự thì mấy đoạn cuốn sách khiến tôi khóc không nhiều. Nó khiến tôi thấy hoang mang, ngơ ngác nhiều hơn. Tôi tuyệt đối không nhìn đời xám xịt như Holden, phòng khi bạn lo sợ thì có thể yên tâm. Nhưng không hiểu sao tôi cứ có cảm giác mình đồng cảm với cậu. Tôi cũng không dưới vài lần trong đời thấy chán ngán cái thế giới náo loạn này, cũng mất đi những giá trị và niềm tin, băn khoăn về các hướng đi, về con đường mình chọn, muốn gào thét muốn nổi loạn, hay hối hận hay khao khát muốn thoát khỏi sự bế tắc cùng cực. Để thấy rằng ồ, hóa ra mình vẫn đang sống đây, vẫn còn trẻ đây. Tôi tìm thấy một chút tôi ở Holden, rất thật và sống động. Bởi thế lần này khi thử đặt mình vào để nhìn bằng con mắt của cậu ấy và sống bằng trái tim của cậu ấy, tôi thấy cuốn sách mang một dáng vẻ hoàn toàn mới so với lần đọc đầu tiên năm 18 tuổi - cảm động, chân thực và lấp lánh.

Tôi muốn nói về những cái hiếm hoi mà Holden cảm thấy thích trong đời trước khi kết thúc cái mớ cảm xúc lộn xộn tùm lum này. Ấy là cậu thích Allie, cậu em trai bé nhỏ đã mất. Ấy là cậu thích những lúc cà riềng cà tỏi với Phoebe, nói những chuyện tào lao từ chấy chí mén. Ấy là một ý thích rất dị thường và cũng rất đẹp đẽ khác: Holden ước được làm người "bắt trẻ đồng xanh", đứng ở một mỏm đá chỗ vực thẳm cheo leo ngoài rìa cánh đồng mạch xanh thẫm và hơi u tối, nơi lũ trẻ cả nghìn đứa miệt mài chơi đuổi bắt chẳng màng gì đến xung quanh và có thể rơi xuống vực bất cứ lúc nào mà ở đó chẳng có ai là người lớn ngoài cậu. Cậu sẽ cứ đứng ở đấy, làm một kẻ bảo hộ kì quặc cần mẫn, dang tay ra che chở. Và gió thì cứ thổi mãi trên đồng mạch xanh rì vang vang tiếng hát ca.

Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger là cái tên quen thuộc có mặt trong danh sách các tác phẩm gây tranh cãi của thế kỉ XX. Vì sao ư? Vì sự tồn tại của không gian tù túng, u tối, bất cần bao trùm suy nghĩ của một cậu bé 17 tuổi suốt mạch truyện; những từ lóng, từ bậy, từ tục tràn lan. Suốt nhiều năm tác phẩm bị cấm vì lo sợ ảnh hưởng xấu nó có thể gây ra cho giới trẻ. Nhưng đến cuối cùng, chúng ta vẫn thấy cuốn sách này trong một bộ dạng tinh tươm và tính giáo dục được người ta ca ngợi. Để tôi nói rằng đừng đánh giá điều gì chỉ qua vẻ bề ngoài. Bên dưới dáng vẻ xù xì kia, bên dưới những ngôn từ toát lên toàn một vẻ giang hồ khó nghe kia là một vốc đầy những khát khao của một tâm hồn cao đẹp, tuy nông nổi nhưng cao đẹp.

Tôi không nghĩ Bắt trẻ đồng xanh thuộc dạng dễ đọc - kiểu như nếu tôi thích cao trào kịch tính hoặc mọi chuyện cứ phải phơi rành rành các thứ ra thì rõ là cuốn sách không phải cái dành cho tôi. Nhưng tôi nghĩ Bắt trẻ đồng xanh là cuốn sách nên đọc! Bạn có thể thấy là tôi không tha lôi ra bất cứ một bài học nào được rút ra sau khi đọc xong cuốn sách. Thực tình tôi cũng có nhưng nó chỉ mang tính chất cá nhân thôi, và nữa tôi không muốn trở nên bộ tịch quá, kiểu kiểu thế. Nhưng nếu bạn đủ kiên nhẫn đọc đến trang sách cuối, hi vọng bạn có thể thấy được điều tốt đẹp nào ẩn đằng sau những con chữ như trêu ngươi đó.

Đôi lúc tôi nghĩ tôi cũng muốn làm một kẻ bắt trẻ đồng xanh, mặc xác các thứ linh tinh khác!
legiangcafe. Powered by Blogger.